Router là gì? Các loại router thường gặp và chức năng
Bộ định tuyến router là thiết bị mạng có chức năng kết nối, chia sẻ internet tới các thiết bị khác trong cùng lớp mạng. Nhằm phục vụ các mục đích khác nhau, bộ định tuyến được chia thành các loại router không dây, core router, edge router…
Định nghĩa router là gì?
Router là thiết bị kết nối hai hoặc nhiều mạng con hoặc mạng chuyển mạch nhằm phục vụ chức năng chính là quản lý lưu lượng giữa các mạng và cho phép các thiết bị trong lớp mạng sử dụng chung một kết nối Internet.
Thiết bị mạng router được sử dụng để kết nối Internet với các thiết bị điện tử (máy tính, laptop, điện thoại, máy in…) trong văn phòng, nhà máy hoặc mạng gia đình.
Tham khảo: So sánh gateway và router
Nguyên lý hoạt động
Bộ định tuyến đóng vai trò như một thiết bị trung gian nên cần được kết nối với một Modem để hoạt động. Cụ thể:
- Modem sẽ liên kết với đường truyền Internet.
- Kết nối từ cổng LAN trên modem tới các cổng LAN, WAN hoặc cổng Ethernet của router thông qua dây cáp mạng.
- Router định tuyến dữ liệu (hướng dẫn và điều khiển dữ liệu) bằng cách sử dụng các gói chứa nhiều dữ liệu khác nhau. Bởi mỗi thiết bị trong lớp mạng đều được gán một địa chỉ IP riêng biệt. Bộ định tuyến sẽ đọc thông tin dữ liệu và chọn tuyến đường tốt nhất để truyền dữ liệu.
Chức năng cơ bản
Kết nối mạng: Thiết bị định tuyến có chức năng kết nối các mạng con lại với nhau hoặc kết nối mạng con (LAN) với mạng WAN của nhà cung cấp.
Định tuyến (Chọn đường đi): Bộ định tuyến sử dụng các giao thức và thuật toán để xây dựng, duy trì bảng định tuyến với các thông tin cơ bản về đường dẫn, băng thông, số bước nhảy, độ trễ. Từ đó, dữ liệu này được sử dụng để đưa ra quyết định chọn tuyến đường tối ưu nhất cho mỗi gói dữ liệu.
Chuyển tiếp các gói dữ liệu giữa các mạng: Đây là chức năng chính của router. Sau khi nhận được một gói dữ liệu, bộ định tuyến sẽ kiểm tra địa chỉ IP đích và tham khảo bảng định tuyến để xác định đường truyền, chuyển tiếp gói dữ liệu này đến điểm đích. Bộ định tuyến mạng còn có thể chia các gói dữ liệu lớn thành các gói nhỏ để truyền đi nhanh hơn và lắp ráp các gói nhỏ này thành gói dữ liệu ban đầu tại điểm đích.
Dịch địa chỉ mạng: Đây là kỹ thuật cho phép nhiều thiết bị trong mạng LAN có thể chia sẻ một địa chỉ IP công cộng duy nhất.
Bảo mật mạng: Một số thiết bị router được sử dụng như một tường lửa, giúp tăng cường bảo vệ mạng nội bộ khỏi các cuộc tấn công.
Quản lý mạng: Sử dụng bộ định tuyến cho phép người dùng có thể quản lý và kiểm soát, thiết lập quy tắc cho các thiết bị (máy tính, laptop, điện thoại…) muốn kết nối vào mạng.
Phân biệt các loại router thường gặp
Router có dây (Wired Router)
Đây là thiết bị được kết nối trực tiếp với máy tính hoặc các thiết bị điện tử khác trong lớp mạng thông qua dây cáp mạng. Một cổng kết nối của Wired Router được kết nối với modem để nhận dữ liệu, còn một cổng khác thì kết nối với máy tính để phân phối dữ liệu.
Router không dây (Wireless Router)
Bộ định tuyến không dây còn được gọi là router wifi, được sử dụng phổ biến trong các lớp mạng gia đình với đầy đủ tính năng như bộ định tuyến có dây. Nhưng không cần kết nối các thiết bị thông qua hệ thống dây cáp mạng.
Bộ định tuyến lõi (Core router)
Ứng dụng phổ biến tại các nhà cung cấp đám mây hoặc nhà cung cấp dịch vụ, các doanh nghiệp quy mô lớn, phân bổ nhân viên tại nhiều địa điểm khác nhau nhờ khả năng cung cấp băng thông tối đa. Core Router là bộ định tuyến có dây hoặc không dây nằm ở trung tâm mạng, có nhiệm vụ phân phối các gói dữ liệu Internet trong cùng một mạng.
Bộ định tuyến biên (Edge Route)
Ngược lại với bộ định tuyến lõi, bộ định tuyến biên không phân phối các gói dữ liệu trong một mạng, mà chỉ đóng vai trò làm điểm kết nối ngoài cùng của mạng với các mạng bên ngoài. Chúng không có khả năng quản lý một cách đầy đủ mạng cục bộ.
Bộ định tuyến nội mạng (Interior/ Distribution Router)
Thiết bị mạng này nhận dữ liệu từ bộ định tuyến biên thông qua kết nối có dây và gửi những dữ liệu đó đến người dùng cuối qua wifi.
Router ảo
Là một dịch vụ hoặc phần mềm chạy trên máy chủ/ máy tính có khả năng thực hiện chức năng của một bộ định tuyến. Chúng có thể linh hoạt tạo ra một mạng wifi hoặc mạng Lan từ máy chủ/ máy tính đã kết nối Internet. Tuy nhiên, router ảo còn hạn chế về tính ổn định và hiệu suất, phụ thuộc nhiều vào hiệu suất của máy chủ/ máy tính cài đặt phần mềm.
Các giao thức
- OSPE – Open Shortest Path First: Sử dụng để tìm đường dẫn tốt nhất cho các gói khi chúng đi qua một tập hợp các mạng.
- BGP – Border Gateway Protocol: Có tác dụng quản lý các gói dữ liệu và cung cấp sự ổn định mạng trong trường hợp một đường dẫn Internet gặp sự cố.
- IGRP – Interior Gateway Routing Protocol: Xác định cách thông tin định tuyến giữa các cổng sẽ được trao đổi trong một mạng.
- EGP – Exterior Gateway Protocol: Xác định cách thông tin định tuyến giữa hai gateway host (mỗi gateway host sử dụng một router riêng) được trao đổi.
- RIP – Routing Information Protocol: Xác định cách bộ định tuyến chia sẻ thông tin khi di chuyển lưu lượng giữa một nhóm mạng cục bộ được kết nối với nhau.
Lưu ý khi lắp đặt bộ định tuyến wifi
Vị trí lắp đặt ảnh hưởng nhiều đến hiệu suất của thiết bị mạng này. Để đảm bảo đường truyền internet ổn định, người dùng nên lưu ý những vị trí lắp đặt dưới đây:
- Đặt thiết bị định tuyến tại vị trí trung tâm của văn phòng/ ngôi nhà.
- Đặt thiết bị ở vị trí cao giúp sóng wifi lan toả tốt hơn
- Tránh xa các khu vực tường bê tông dày, khu vực chứa nhiều vật liệu kim loại dễ gây cản sóng.
- Tránh xa các thiết bị điện như tủ lạnh, lò vi sóng, máy điều hoà… để tránh gây nhiễu sóng.
Hy vọng bài viết trên đây đã cung cấp đầy đủ các thông tin cơ bản về router, router là gì và chức năng của thiết bị mạng này. Liên hệ ngay PHUCBINH GROUP để được tư vấn về các thiết bị mạng chất lượng từ các thương hiệu uy tín.