Cáp chống nhiễu là gì? Phân biệt các kí hiệu và ứng dụng
Cáp chống nhiễu ngày càng được sử dụng phổ biến trong các nhà máy, doanh nghiệp, văn phòng… nhờ ưu điểm đường truyền ổn định, chất lượng. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cáp chống nhiễu là gì và hiểu rõ ý nghĩa các kí hiệu trên vỏ cáp tín hiệu chống nhiễu.

Cáp chống nhiễu là gì?
Cáp tín hiệu chống nhiễu (Shielded cable) là loại dây cáp được sử dụng để truyền âm thanh, hình ảnh, tín hiệu giữa các điểm, các thiết bị khác nhau trong hệ thống điện. Mục đích quan trọng của cáp tín hiệu chống nhiễu là đảm bảo dữ liệu được truyền chính xác, liên tục, không bị nhiễu trong quá trình truyền tải.
Cấu tạo của cáp tín hiệu chống nhiễu tương tự như các loại dây cáp điện tiêu chuẩn nhưng thêm lớp chống nhiễu. Cụ thể:

- Lõi dẫn điện: Chủ yếu làm từ vật liệu đồng. Số lượng lõi dẫn phụ thuộc vào loại cáp và nhu cầu sử dụng (sẽ có kí hiệu chỉ dẫn về số lượng lõi dẫn điện bên ngoài vỏ cáp như 1C, 2C, 1PR, 2PR…).
- Lớp cách điện: Thường làm bằng vật liệu PVC hoặc Polyethylene để đảm bảo dây điện không bị rò rỉ, an toàn khi sử dụng.
- Lớp chống nhiễu để tránh ảnh hưởng nhiễu bởi các tác nhân từ môi trường xung quanh, đảm bảo khả năng truyền tín hiệu ổn định và chính xác. Lớp chống nhiễu thường là lớp băng nhôm hoặc vật liệu đồng mạ thiếc bọc ngoài.
- Lớp bảo vệ bên ngoài: Thường làm bằng chất liệu nhựa PVC hoặc XLPE có tác dụng bảo vệ phần lõi khỏi các yếu tố môi trường bên ngoài (độ ẩm, thời tiết, va đập mạnh…). Đồng thời cũng giúp tăng cường bảo vệ an toàn cho người dùng khi tiếp xúc với dây tín hiệu. Tham khảo: So sánh các vật liệu vỏ ngoài
Các nguồn gây nhiễu cơ bản
Về cơ bản, các nguồn gây nhiễu được chia thành bốn nhóm:
- Nhiễu tĩnh (static noise): Loại nhiễu xuất hiện khi điện trường làm biến dạng tín hiệu. Giảm nhiễu tĩnh bằng cách sử dụng các lá chắn và kĩ thuật nối đất thích hợp.
- Nhiễu từ (magnetic noise): Loại nhiễu xuất phát từ các thiết bị có động cơ AC lớn, máy biến áp… Giảm nhiễu từ bằng cách sử dụng dây tín hiệu xoắn đôi và chọn vị trí lắp đặt phù hợp, tránh xa nguồn gây nhiễu.
- Nhiễu tiếng ồn chế độ chung (common mode noise): Tiếng ồn chế độ chung là tiếng ồn mà trong đó dòng điện nhiễu bị rò rỉ qua điện dung lạc hoặc tương tự, đi qua đất và trở về đường dây cung cấp điện. Giảm nhiễu tiếng ồn chế độ chung bằng cách thiết kế và lắp đặt hệ thống điện cẩn thận.
- Nhiễu xuyên âm (crosstalk): Đươc hiểu là sự xuất hiện quá mức của tín hiệu DC xung quanh hoặc tín hiệu AC tiêu chuẩn giữa hai hoặc nhiều dây cáp được lắp đặt gần đó. Giảm nhiễu xuyên âm bằng cách sử dụng các cặp cáp xoắn được bảo vệ riêng lẻ. Tham khảo: Hướng dẫn bấm dây cáp mạng.
Đặc điểm của cáp tín hiệu chống nhiễu
Cáp tín hiệu chống nhiễu có đặc tính nổi bật là khả năng hoạt động ổn định trong các điều kiện môi trường đặc thù, có ảnh hưởng của điện từ. Lớp băng nhôm bảo vệ sẽ giúp hạn chế điện từ gây nhiễu, ảnh hưởng chất lượng đường truyền.
Đồng thời, cáp tín hiệu có lớp chống nhiễu cũng có đặc tính cơ học tốt hơn, hạn chế tình trạng đứt gãy.
Ngoài ra, một số dòng cáp còn được bổ sung thêm dây cường lực (tăng khả năng chịu lực) và bổ sung các yếu tố chống cháy, chống biến lửa, hạn chế tấn công của côn trùng… Nhờ đó, một số dòng cáp tín hiệu chống nhiễu có khả năng chịu được nhiệt độ lớn nhất khi ngắt mạch là 160 độ C hay làm việc thời gian dài trong điều kiện nhiệt độ lên đến 70 độ C.
Tham khảo thêm: Cáp chống cháy chống nhiễu
Các kí hiệu cơ bản
Trên vỏ ngoài cáp tín hiệu thường có nhiều kí hiệu liên quan đến thông số kĩ thuật và chủng loại. Hiểu được ý nghĩa các kí hiệu này sẽ giúp người dùng nắm được các thông số kĩ thuật cơ bản.

- Cu: Thể hiện chất liệu của lõi dẫn bằng đồng.
- AL: Thể hiện chất liệu bằng nhôm.
- XLPE: Thể hiện lớp vỏ cách điện được làm bằng vật liệu XLPE
- PVC: Thể hiện vỏ làm bằng nhựa PVC
- CXV: Thể hiện các chất liệu lõi dẫn bằng đồng, cách điện bằng XLPE, vỏ bọc bằng PVC
- CV, CVV: Thể hiện chất liệu dây cáp ruột đồng, lớp phân cách bằng vỏ PVC, vỏ bọc bằng PVC
- DVV: Cáp không có lớp màng chắn chống nhiễu
- DVV/Sa: Cáp có lớp màng chắn nhôm (Al)
- DVV/Sc: Cáp có lớp màng chắn bằng đồng (Cu)
- LSZH: Thể hiện vỏ cáp thành phần LSZH, hạn chế khói độc khi cháy, thân thiện với người dùng và môi trường.
- AWG: Thể hiện tiết diện được thiết kế theo tiêu chuẩn Mỹ.
- PR: Thể hiện số cặp lõi dây (1PR/ 2PR…).
Ứng dụng
Cáp tín hiệu chống nhiễu được sử dụng nhiều tại các công trình, đặc biệt là công trình quy mô lớn yêu cầu đường truyền tín hiệu ổn định, chính xác. Bởi cáp chống nhiễu không chỉ có khả năng chống nhiễu tốt mà còn giúp đảm bảo an toàn cho thiết bị kết nối và người sử dụng, hạn chế các sự cố khi dùng.