Lưu ý thiết kế và lắp đặt đầu báo khói kiểu hút

21/07/2025

Đầu báo khói kiểu hút có cơ chế lấy mẫu chủ động, phù hợp với những công trình yêu cầu cao về PCCC, kho xưởng chứa hàng hoá giá trị lớn… Thiết kế, lắp đặt và sử dụng đầu báo cháy kiểu hút đúng cách sẽ giúp đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Đầu báo khói kiểu hút chủ động hút mẫu không khí để phân tích
Đầu báo khói kiểu hút chủ động hút mẫu không khí để phân tích

Đầu báo khói kiểu hút là gì? Nguyên lý hoạt động

Đầu báo cháy kiểu hút là thiết bị quan trọng trong hệ thống PCCC tự động, với vai trò phát hiện sớm sự hiện diện của khói – yếu tố cơ bản trong các đám cháy.

Thiết bị này có nguyên lý hoạt động cơ bản theo cơ chế chủ động hút mẫu không khí ở khu vực xung quanh để phân tích thông qua miệng hút. Tại đường ống lấy mẫu, dòng không khí sẽ liên tục di chuyển nhờ hoạt động của quạt hút và được đưa tới bộ lọc, loại bỏ bụi kích thước lớn. Sau đó, một phần nhỏ mẫu sẽ được tự động trích tới bộ phận cảm biến để phân tích.

Dòng không khí sau khi được phân tích sẽ tiếp tục di chuyển, thải ra khu vực an toàn theo hệ thống đường ống. Trường hợp nồng độ khói đạt ngưỡng tác động (dấu hiệu của đám cháy), đầu báo khói sẽ phát tín hiệu cảnh báo và truyền thông tin tới tủ báo cháy trung tâm.

Nhờ đó, đám cháy được phát hiện sớm (khi nồng độ khói còn rất thấp) và chính xác hơn. Dựa trên độ nhạy, đầu báo khói kiểu hút được chia thành 3 loại:

  • Đầu báo khói siêu nhạy: Độ che mờ do khói dưới 0,8 %/m.
  • Đầu báo khói độ nhạy cao: Độ che mờ do khói từ 0,8 – 2,0 %/m
  • Đầu báo khói độ nhạy tiêu chuẩn: Độ che mờ do khói từ 2,0 – 4,5 %/m

Lưu ý khi thiết kế đầu báo khói dạng hút

Nhằm giúp các đơn vị tư vấn thiết kế, chủ đầu tư, nhà thầu thi công PCCC thiết kế và lắp đặt đầu báo cháy hiệu quả, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã đưa ra các lưu ý dưới đây.

Thiết bị phù hợp sử dụng trong các môi trường yêu cầu cao về PCCC
Thiết bị phù hợp sử dụng trong các môi trường yêu cầu cao về PCCC

Lưu ý khi lựa chọn đầu báo khói

  • Lựa chọn đầu báo khói kiểu hút có độ nhạy phù hợp theo cấu tạo riêng của môi trường và đặc điểm khói sinh ra tại khu vực bảo vệ.
  • Xem xét độ ẩm trong môi trường và cơ chế tự làm sạch đường ống của thiết bị báo cháy.
  • Tuỳ chỉnh ngưỡng báo động theo đặc điểm khu vực bảo vệ để đảm bảo an toàn PCCC và tránh hiện tượng báo cháy giả.

Lưu ý khi thiết kế và lắp đặt đầu báo khói kiểu hút

  • Tuân thủ quy định chung TCVN 7568-14:2025 về Hệ thống báo cháy.
  • Diện tích bảo vệ của đầu báo khói kiểu hút không lớn hơn một vùng phát hiện cháy
  • Tuỳ thuộc vào độ nhạy của thiết bị, thời gian lấy mẫu từ lỗ hút xa nhất đến đầu báo không được vượt quá 60 giây đối với báo cháy loại siêu nhạy, 90 giây đối với báo cháy loại độ nhạy cao và không vượt quá 120 giây đối với báo cháy loại tiêu chuẩn.
  • Việc tính toán thời gian vận chuyển mẫu rất quan trọng. Bởi thời gian vận chuyển mẫu sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, bao gồm: chiều dài đường ống, đường kính ống (càng nhỏ thì tốc độ dòng chảy càng cao), số lượng lỗ hút (càng nhiều thì hút được càng nhiều mẫu không khí), bán kích các khúc cua (khúc cua gấp sẽ làm tăng tổn thấp áp suất khiến vận chuyển mẫu lâu hơn), công suất của quạt hút. Dù không bắt buộc sử dụng phần mềm cụ thể nhưng các nhà sản xuất uy tín thường cung cấp công cụ chuyên dụng để hỗ trợ thiết kế và tính toán, đảm bảo thời gian vận chuyển, đảm bảo lợi thế phát hiện sớm đám cháy.
  • Tuỳ môi trường, người dùng cần lựa chọn đầu báo khói có độ nhạy phù hợp. Đầu báo khói kiểu hút siêu nhạy phù hợp với môi trường sạch, các môi trường nhiều bụi có thể gây hiện tượng báo cháy giả thường xuyên.
  • Vị trí ống lấy mẫu phải phù hợp yêu cầu về khoảng cách. Cụ thể, đầu báo khói kiểu hút siêu nhạy có chiều cao tối đa của khu vực bảo vệ là 30m, đầu báo khói loại nhạy cao là 18m và đầu báo khói tiêu chuẩn là 12m.
  • Đầu báo khói kiểu hút có thể bảo vệ các phòng chiều cao đến 40m trong điều kiện bố trí 2 lớp bảo vệ.

Lưu ý khi sử dụng đầu báo khói kiểu hút

Nhằm đảm bảo hiệu suất hoạt động của thiết bị, người dùng cần lưu ý kiểm tra và bảo trì thiết bị PCCC định kỳ bởi các đơn vị uy tín theo các bước:

  • Kiểm tra khu vực phân tích trung tâm về độ nhạy, đảm bảo khả năng phát hiện cháy ở ngưỡng tiêu chuẩn đã thiết kế.
  • Kiểm tra đường ống lấy mẫu, so sánh kết quả hiện tại với thiết kế ban đầu.
  • Kiểm tra tổng thể hệ thống bằng cách mô phỏng các tình huống lỗi để xem khả năng báo động có chính xác không.

Thông tin từ Cục Cảnh sát PCCC và CNCH.

Phúc Bình là nhà thầu thi công PCCC, cung cấp thiết bị PCCC Hải Phòng và cả nước với đa dạng các sản phẩm chất lượng, từ thiết kế, thi công đến bán thương mại bình chữa cháy, đầu báo cháy báo khói, tủ báo cháy trung tâm, còi báo cháy…

Đánh giá bài viết