Mạng máy tính và các mô hình mạng phổ biến
Mạng máy tính có vai trò quan trọng, giúp chia sẻ, sao chép và chỉnh sửa tài liệu dễ dàng, thúc đẩy hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhưng không phải ai cũng có kiến thức về mạng máy tính và các mô hình mạng phổ biến.
Mạng máy tính là gì?
Hiểu đơn giản, mạng máy tính là một mạng lưới nhiều máy tính được kết nối với nhau qua đường truyền vật lý nhằm mục đích thu thập, trao đổi và chia sẻ tài nguyên cho người dùng. Mạng máy tính thường được ứng dụng tại các văn phòng, trường học, tòa nhà, thành phố… (tùy nhu cầu sử dụng và yêu cầu không gian sẽ có những mô hình kết nối phù hợp).
Thành phần của mạng máy tính thường bao gồm:
– Phần cứng
– Các giao thức
– Phần mềm mạng
Hiện nay, thay vì chỉ kết nối thông thường, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, mạng máy tính có xu hướng phát triển, đáp ứng yêu cầu tích hợp đa miền, ảo hóa, điều khiển tự động, IBN…
Các phương thức kết nối mạng
– Phương thức điểm – điểm: Các máy tính được nối với nhau bởi các đường truyền riêng biệt, mỗi máy tính đều có khả năng nhận, truyền hoặc lưu trữ dữ liệu rồi sau đó chuyển tiếp cho một máy khác để dữ liệu đó được truyền tới đích.
– Phương thức điểm – nhiều điểm: Các trạm có chung một đường truyền vật lý nên tất cả máy tính đều có thể nhận được dữ liệu được gửi từ một máy (nếu kiểm tra đúng địa chỉ đích gửi đến máy đó).
Phân loại mạng máy tính theo khoảng cách
– Global area network (GAN): Kết nối máy tính giữa các châu lục.
– Wide area network (WAN): Kết nối mạng máy tính trong một quốc gia hoặc trong một châu lục.
– Metropolitan area network (MAN): Kết nối mạng máy tính trong phạm vi thành phố
– Local area network (LAN): Kết nối mạng máy tính trong bán kính hẹp, cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức… (khoảng 100m – 10km).
Mô hình kết nối của mạng LAN
Hiện nay, có 4 mô hình mạng máy tính phổ biến là mạng hình sao, mạng hình tuyến (mạng tuyến tính), mạng hình vòng và mạng kết hợp.
– Mạng hình sao: Mô hình mạng hình sao đồng nghĩa với việc tất cả các trạm được nối vào cùng một thiết bị chung (switch, hub, router…), có nhiệm vụ nhận và chuyển tín hiệu đến trạm đích với phương thức điểm – điểm. Ưu điểm của mạng này là thiếp lập đơn giản, dễ dàng trong việc kiểm soát và xử lý sự cố (nếu có) nhưng có nhược điểm về khoảng cách kết nối hạn chế (trong bán kính khoảng 100m).
– Mạng hình tuyến: Các máy tính được kết nối vào một đường truyền chung gọi là bus, hoạt động theo phương thức điểm – nhiều điểm. Ưu điểm là dễ cài đặt và vận hành nhưng nhược điểm không ổn định, toàn bộ mạng có thể bị dừng hoạt động nếu một nút bị lỗi.
– Mạng hình vòng: Các máy tính được kết nối theo phương thức điểm – điểm theo một hình vòng. Theo đó, mỗi trạm đều có thể nhận và chuyển dữ liệu đến trạm tiếp theo. Mạng này có ưu điểm tốc độ đường truyền tối ưu nhưng hạn chế về việc thêm, bớt trạm hoặc một trạm bị lỗi có thể gây ảnh hưởng toàn bộ hệ thống.
– Mạng dạng kết hợp: Là loại mạng được tạo ra giữa 2 loại mạng khác nhau như mạng hình tuyến và mạng hình sao, mạng hình vòng và mạng hình sao.
Nhìn chung, mạng máy tính có nhiều mô hình kết nối, tùy thuộc vào khoảng cách và yêu cầu của người dùng. Để đảm bảo tốc độ đường truyền, an ninh mạng, bên cạnh việc lựa chọn phương thức, mô hình kết nối phù hợp, người dùng cần lựa chọn dây mạng chất lượng. Đặc biệt, với hệ thống mạng phức tạp (nhà máy, doanh nghiệp, bệnh viện…) chủ đầu tư nên thuê đơn vị chuyên nghiệp thiết kế, xây dựng và bảo trì hệ thống mạng định kì.
Với 13 năm kinh nghiệm, PHUCBINH GROUP là nhà thầu ICT, nhà thầu cơ điện và hạ tầng an ninh giám sát được nhiều doanh nghiệp, nhà máy lựa chọn.