PCCC là trách nhiệm của ai? – Luật PCCC cập nhật

16/09/2024

Luật PCCC 2001 (sửa đổi một số điều 2013) có quy định rõ PCCC là trách nhiệm của ai – PCCC là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân.

PCCC là trách nhiệm của ai
PCCC là trách nhiệm của ai

PCCC là trách nhiệm của ai?

Điều 5, Trách nhiệm PCCC – Luật PCCC 2001 và sửa đổi một số điều năm 2013 quy định cụ thể về vấn đề PCCC là trách nhiệm của ai. Theo đó:

1. PCCC là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

2. Công dân từ 18 tuổi trở lên, đủ sức khoẻ có trách nhiệm tham gia vào đội dân phòng (tổ chức gồm những người tham gia hoạt động PCCC, giữ gìn trật tự an ninh tại nơi cư trú), đội PCCC cơ sở (tổ chức những người tham gia hoạt động PCCC tại nơi làm việc) khi có yêu cầu.

3. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm (bổ sung theo Luật số 40/2013/QH13 – sửa đổi một số điều của Luật PCCC 2001):

  • Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức PCCC, xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC; thành lập, duy trì hoạt động đội PCCC theo quy định của pháp luật.
  • Ban hành theo thẩm quyền nội quy và biện pháp PCCC
  • Tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định PCCC
  • Bảo đảm kinh phí cho hoạt động PCCC và sử dụng nguồn kinh phí này đúng mục đích; trang bị, duy trì hoạt động của dụng cụ, phương tiện PCCC; chuẩn bị các điều kiện phục vụ chữa cháy; xây dựng, tổ chức thực tập phương án chữa cháy; bảo đảm các điều kiện phục vụ công tác huấn luyện nghiệp vụ PCCC; tổ chức chữa cháy và khắc phục các hậu quả do cháy gây ra.
  • Thực hiện nhiệm vụ khác về PCCC theo quy định pháp luật

PCCC là trách nhiệm của ai? – Chủ hộ gia đình

  • Đôn đốc, nhắc nhở thành viên trong gia đình thực hiện quy định của pháp luật về PCCC
  • Thường xuyên kiểm tra phát hiện và khắc phục kịp thời nguy cơ gây cháy, nổ
  • Phối hợp với cơ quan, tổ chức và hộ gia đình khác trong việc bảo đảm điều kiện an toàn về PCCC; quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn chất dễ gây cháy nổ. (Tham khảo thêm danh mục các thiết bị PCCC theo thông tư 150; Lưu ý PCCC nhà ở kết hợp kinh doanh).
Mỗi người dân đều có trách nhiệm PCCC
Mỗi người dân đều có trách nhiệm PCCC

PCCC là trách nhiệm của ai? – Cá nhân

  • Chấp hành quy định, nội quy, yêu cầu về PCCC của người hoặc cơ quan có thẩm quyền
  • Tuân thủ pháp luật và nắm vững kiến thức cần thiết về PCCC; biết sử dụng dụng cụ, phương tiện PCCC thông dụng
  • Bảo đảm an toàn PCCC trong quá trình sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt và trong bảo quản, sử dụng chất cháy
  • Ngăn chặn nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, hành vi vi phạm quy định an toàn PCCC
  • Thực hiện quy định khác có liên quan đến trách nhiệm cá nhân trong Luật này.

Lực lượng cảnh sát PCCC có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra hoạt động PCCC của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và làm nhiệm vụ chữa cháy.

Trách nhiệm chữa cháy và tham gia chữa cháy

Bên cạnh quy định PCCC là trách nhiệm của ai, Chương III, Luật PCCC cũng quy định cụ thể về trách nhiệm chữa cháy và tham gia chữa cháy:

Diễn tập PCCC
Diễn tập PCCC
  1. Người phát hiện thấy cháy phải bằng mọi cách báo cháy nhanh nhất và chữa cháy; cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân gần nơi cháy phải nhanh chóng thông tin và tham gia chữa cháy.
  2. Lực lượng PCCC khi nhận được tin báo cháy trong địa bàn được phân công quản lý hoặc nhận được lệnh điều động phải lập tức đến chữa cháy; trường hợp nhận thông tin báo ngoài địa bàn phân công thì phải báo ngay cho lực lượng PCCC nơi xảy ra cháy và báo cấp trên.
  3. Các cơ quan y tế, điện lực, cấp nước, môi trường đô thị, giao thông và các cơ quan hữu quan khi nhận được yêu cầu của người chỉ huy chữa cháy phải nhanh chóng phối hợp, điều động người và phương tiện đến nơi phục vụ chữa cháy.
  4. Lực lượng công an, dân quân tự vệ có trách nhiệm tổ chức giữ gìn trật tự, bảo vệ khu vực chữa cháy và tham gia hỗ trợ chữa cháy.

Điều 39: Trách nhiệm xử lý khi có cháy lớn và cháy nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng

  1. Chủ tịch UBND cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi xảy ra cháy có trách nhiệm chỉ đạo, chỉ huy chữa cháy, bảo đảm các điều kiện phục vụ chữa cháy; nếu vượt quá khả năng của mình thì nhanh chóng báo cáo Chủ tịch UBND huyện/ quận/ thị xã/ thành phố thuộc tỉnh, người đứng đầu cơ quan chủ quản cấp trên chỉ đạo giải quyết; trường hợp thật cần thiết thì báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đồng thời báo cáo Chủ tịch UBND huyện/ quận/ thị xã/ thành phố thuộc tỉnh.
  2. Trong trường hợp vượt quá khả năng giải quyết của địa phương, theo đề nghị của Chủ tịch UBND tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì phối hợp các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan.
  3. Trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, Bộ trưởng Bộ Công án báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nhiệm vụ chữa cháy của các tổ chức lực lượng PCCC

Nhiệm vụ của lực lượng dân phòng và PCCC cơ sở

Lực lượng PCCC cơ sở tại các nhà máy, doanh nghiệp
Lực lượng PCCC cơ sở tại các nhà máy, doanh nghiệp
  1. Đề xuất việc ban hành quy định, nội quy an toàn PCCC
  2. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC; xây dựng phong trào quần chúng tham gia PCCC.
  3. Kiểm tra, đôn đốc thực hiện các quy định, nội quy an toàn PCCC.
  4. Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC
  5. Xây dựng phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện và nhiệm vụ chữa cháy khi có cháy; tham gia chữa cháy ở các địa phương, cơ sở khác theo yêu cầu.

Nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát PCCC

Lực lượng cảnh sát PCCC
Lực lượng cảnh sát PCCC
  1. Tham mưu, đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm ban hành, chỉ đạo, thực hiện các quy định pháp luật PCCC.
  2. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật; bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ, kiến thức PCCC; hướng dẫn xây dựng phong trào quần chúng tham gia PCCC.
  3. Thực hiện các biện pháp PCCC kịp thời.
  4. Xây dựng lực lượng PCCC; trang bị và quản lý phương tiện PCCC.
  5. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong PCCC.
  6. Kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật PCCC.

Hy vọng những nội dung chi tiết trong bài viết đã giúp người đọc giải đáp thắc mắc PCCC là trách nhiệm của ai? Đây là trách nhiệm của toàn dân và có phân công nhiệm vụ cụ thể cho người đứng đầu và các tổ chức, lực lượng PCCC có liên quan. Đặc biệt, các công trình xây dựng mới cần được thiết kế hệ thống PCCC, thi công bởi nhà thầu thi công PCCC uy tín và nghiệm thu đầy đủ trước khi đi vào hoạt động.

5/5 - (1 bình chọn)