Hệ thống trang bị phòng cháy chữa cháy theo tiêu chuẩn TCVN 3890
Quy định về trang bị, bố trí phương tiện, hệ thống phòng cháy và chữa cháy theo quy chuẩn TCVN 3890-2023 (thay thế cho TCVN 3890:2009) do Cục cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ biên soạn và được thẩm định bởi Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Nội dung cụ định của quy định bao gồm:
1.Trang bị, bố trí bình chữa cháy
1.1 Trang bị, bố trí bình chữa cháy xách tay và bình chữa cháy có bánh xe
1.1.1 Tất cả các khu vực trong nhà và công trình kể cả những nơi đã được trang bị hệ thống chữa cháy phải trang bị bình chữa cháy xách tay hoặc bình chữa cháy có bánh xe.
1.1.2 Lựa chọn, tính toán trang bị và bố trí bình chữa cháy thực hiện theo quy định tại điều 6 và điều 7 TCVN
1.1.3 Đối với khu vực có diện tích hẹp và dài hoặc khu vực có nhiều cấp sàn khác nhau, gần kề nhau thì việc trang bị bình chữa cháy vẫn phải đảm bảo khoảng cách di chuyển từ vị trí để bình chữa cháy đến điểm xa nhất cần bảo vệ của một bình không vượt quá quy định tại 5.1.1.2.
1.1.4 Trên cùng một sàn hoặc tầng nhà, nếu mặt bằng được ngăn thành các khu vực khác nhau bởi tường, vách, rào hoặc các vật cản khác không có lối đi qua lại thì việc trang bị bình chữa cháy phải riêng biệt và đảm bảo theo quy định tại 5.1.1.2 và 5.1.1.3.
1.1.5 Phải có số lượng bình chữa cháy dự trữ không ít hơn 10% tổng số bình theo tính toán để trang bị thay thế khi cần thiết (cho phép không quá 100 bình mỗi loại).
1.1.6 Bình chữa cháy được bố trí theo thiết kế, ở vị trí dễ thấy, dễ lấy và nên có màu đỏ, trường hợp khó nhận biết có thể sử dụng các chỉ dẫn vị trí và theo các quy định tại Điều 5 TCVN 7435-1. Không được để bình chữa cháy tập trung một chỗ trừ trường hợp để trong kho dự trữ theo quy định tại 5.1.1.5.
Bình chữa cháy phải luôn sẵn sàng để sử dụng ngay lập tức và được bố trí tại:
- Nơi mà những người theo đường thoát nạn sẽ dễ dàng nhìn thấy chúng;
- Phù hợp nhất, gần lối ra vào phòng, cầu thang, hành lang và lối đi;
- Ở các vị trí tương tự trên mỗi tầng, nơi các tầng có cấu trúc giống nhau.
Không đặt các bình chữa cháy ở các khu vực, vị trí sau:
- Khi đám cháy tiềm ẩn có thể ngăn cản việc tiếp cận chúng;
- Gần các thiết bị sinh nhiệt mà có thể làm ảnh hưởng chất lượng, hiệu quả của bình chữa cháy;
- Ở những vị trí khuất sau cửa ra vào, trong tủ không quan sát được bình chữa cháy hoặc hốc sâu;
- Nơi chúng có thể gây cản trở lối thoát nạn;
- Ở các vị trí trong phòng hoặc hành lang cách xa lối ra trừ trường hợp cần thiết đối với nguy hiểm cháy;
- Nơi chúng có thể bị hỏng do các hoạt động thường ngày.
1.1.7 Bình chữa cháy xách tay và bình chữa cháy có bánh xe phải đảm bảo tính năng và cấu tạo được quy định tại TCVN 7026, TCVN 7027.
1.2 Trang bị, bố trí bình bột chữa cháy tự động kích hoạt loại treo
1.2.1 Các bình bột chữa cháy tự động kích hoạt loại treo phải phù hợp với TCVN 12314-1.
1.2.2 Căn cứ điều kiện thực tế của nhà và công trình, có thể lắp đặt ở mặt tường hoặc treo trên trần nhà, với chiều cao thích hợp sao cho đảm bảo diện tích bảo vệ hữu hiệu theo công bố của đơn vị sản xuất. Trong bất kỳ trường hợp nào phải đảm bảo khoảng cách từ bộ phận cảm biến nhiệt đến trần nhà là không quá 40 cm.
1.2.3 Bình bột chữa cháy tự động kích hoạt loại treo có thể được trang bị tại khu vực bếp của nhà hàng, các phòng nồi hơi, giặt là có diện tích không quá 100 m2. Nếu lắp đặt tại khu vực có diện tích trên 100 m2 thì nên phân chia thành các khu vực có diện tích đến 100 m2 bằng tường ngăn cháy (có giới hạn chịu lửa không thấp hơn REI 45) hoặc vách ngăn cháy (có giới hạn chịu lửa không thấp hơn EI 45).
1.3 Trang bị, bố trí bình khí chữa cháy tự động kích hoạt
1.3.1 Bình khí chữa cháy tự động kích hoạt phải phù hợp với TCVN 12314-2.
1.3.2 Cho phép trang bị bình khí chữa cháy tự động kích hoạt (có thiết kế bổ sung chức năng giám sát xả, tín hiệu xả phải được truyền về tủ trung tâm báo cháy) thay thế hệ thống chữa cháy tự động bằng khí tại các khu vực không thường xuyên có người với diện tích không quá 100 m2. Nếu lắp đặt tại khu vực có diện tích trên 100 m2 thì phải phân chia thành các khu vực có diện tích không quá 100 m2 bằng tường ngăn cháy (có giới hạn chịu lửa không thấp hơn REI 45) hoặc vách ngăn cháy (có giới hạn chịu lửa không thấp hơn EI 45).
2 Trang bị, bố trí hệ thống báo cháy tự động, thiết bị báo cháy cục bộ
2.1 Danh mục nhà; hạng mục/khu vực; gian phòng và thiết bị phải trang bị hệ thống báo cháy tự động, thiết bị báo cháy cục bộ được quy định tại Phụ lục A.
2.2 Việc lựa chọn, bố trí thiết bị báo cháy cục bộ được thực hiện theo quy định như đối với các thiết bị tương tự của hệ thống báo cháy tự động.
2.3 Yêu cầu kỹ thuật đối với hệ thống báo cháy tự động được quy định tại TCVN 5738 và TCVN 7568.
3 Trang bị, bố trí hệ thống, thiết bị chữa cháy tự động
3.1 Danh mục nhà; hạng mục/khu vực; gian phòng và thiết bị phải trang bị, bố trí hệ thống, thiết bị chữa cháy tự động.
3.2 Chất chữa cháy sử dụng trong hệ thống chữa cháy tự động có hiệu quả chữa cháy phù hợp với loại đám cháy của khu vực bảo vệ theo quy định tại Điều 4.3 và phù hợp với yêu cầu cần bảo vệ.
3.3 Khi bố trí lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động mà chất chữa cháy có nguy hiểm cho người phải tính toán thời gian thoát nạn, đảm bảo cho người cuối cùng thoát ra khỏi căn phòng hoặc vùng cần bảo vệ trước khi hệ thống tự động xả chất chữa cháy. Những quy định khác về lựa chọn, bố trí hệ thống chữa cháy tự động được quy định tại TCVN 5760, TCVN 6101, TCVN 6305, TCVN 7161, TCVN 7336, TCVN 13333 và các TCVN khác có liên quan do Bộ quản lý chuyên ngành quy định.
4 Trang bị, bố trí hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà, hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà
4.1 Trang bị, bố trí hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà
4.1.1 Nhà phải trang bị hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà được quy định tại Phụ lục B.
4.1.2 Hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà của các nhà sản xuất, nhà kho có mức nguy hiểm cháy cao, nhà có chiều cao từ 25 m trở lên, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, vũ trường, karaoke, quán bar, hộp đêm, nhà ga, các nhà dịch vụ cảng biển, các nhà dịch vụ cảng cạn, các nhà dịch vụ cảng thuỷ nội địa, nhà hát, rạp chiếu phim phải thường xuyên có nước duy trì áp suất bảo đảm kích hoạt hệ thống tự động.
4.1.3 Hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà có thể bố trí độc lập hoặc kết hợp với hệ thống chữa cháy tự động bằng nước. Hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà phải có họng chờ lắp đặt ở ngoài nhà để tiếp nước từ xe bơm hoặc máy bơm chữa cháy di động.
4.1.4 Không trang bị hệ thống họng nước chữa cháy cho nhà, khu vực, gian phòng có sử dụng hoặc bảo quản các chất mà khi tiếp xúc với nước có thể sinh ra cháy, nổ hoặc ngọn lửa lan truyền rộng.
4.2 Trang bị, bố trí hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà
4.2.1 Hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà phải được trang bị theo quy định tại Phụ lục C.
4.2.2 Trường hợp nhà, công trình nằm trong phạm vi bán kính phục vụ đến mọi điểm của nhà xét theo phương ngang không lớn hơn 200 m tính theo đường di chuyển của vòi chữa cháy đi bên ngoài nhà từ trụ cấp nước chữa cháy hoặc bãi đỗ, bến lấy nước của ao, hồ, sông, bể nước công cộng, nếu:
- Lưu lượng và trữ lượng nước chữa cháy bảo đảm theo quy định, thì cho phép không trang bị hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà.
- Không bảo đảm lưu lượng và trữ lượng nước chữa cháy theo quy định thì phải trang bị hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà (khi tính toán lưu lượng của hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà, cho phép tính cộng lưu lượng của hạ tầng cấp nước chữa cháy ngoài nhà).
4.2.3 Cho phép kết hợp hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà với hệ thống cấp nước sinh hoạt, sản xuất.
5. Trang bị, bố trí phương tiện chữa cháy cơ giới
5.1 Các kho, cảng hàng không, cảng biển, cơ sở trọng điểm về kinh tế, chính trị, văn hoá – xã hội, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp ngoài việc trang bị hệ thống chữa cháy, phải trang bị phương tiện chữa cháy cơ giới theo Tiêu chuẩn TCVN 13316 Phòng cháy chữa cháy – Xe ô tô chữa cháy các phần và các tiêu chuẩn quốc gia, các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài được phép áp dụng tại Việt Nam.
Phương tiện chữa cháy cơ giới trang bị phải đáp ứng số lượng tối thiểu theo quy định tại Phụ lục D.
5.2 Xe chữa cháy, tàu chữa cháy, máy bơm chữa cháy loại khiêng tay trang bị cho nhà, công trình đảm bảo các yêu cầu sau:
- Có đặc tính kỹ thuật và tính năng chữa cháy phù hợp với loại nhà, công trình cần bảo vệ;
- Có chất chữa cháy, phương tiện, dụng cụ trang bị kèm theo đúng quy định;
- Máy bơm chữa cháy loại khiêng tay phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật quy định tại TCVN 12110.
6. Trang bị, bố trí phương tiện, dụng cụ phá dỡ thô sơ; mặt nạ lọc độc và mặt nạ phòng độc cách ly
6.1 Trang bị, bố trí phương tiện, dụng cụ phá dỡ thô sơ.
6.1.1 Nhà, công trình phải trang bị phương tiện, dụng cụ phá dỡ thô sơ được quy định tại Phụ lục E.
6.1.2 Phương tiện, dụng cụ phá dỡ thô sơ trang bị cho nhà, công trình được bố trí tại khu vực thường trực về phòng cháy và chữa cháy.
6.2 Trang bị, bố trí mặt nạ lọc độc và mặt nạ phòng độc cách ly.
6.2.1 Nhà, công trình phải trang bị mặt nạ lọc độc và mặt nạ phòng độc cách ly được quy định tại Phụ lục F. Đối với các nhà, công trình khác: chung cư, bệnh viện, văn phòng, nhà hát, rạp chiếu phim… khuyến khích việc trang bị mặt nạ lọc độc.
6.2.2 Mặt nạ lọc độc trang bị cho nhà, công trình được bố trí tại các tủ phương tiện trên hành lang thoát nạn từng tầng, mặt nạ phòng độc cách ly được bố trí tại phòng trực điều khiển chống cháy tại vị trí dễ thấy, dễ lấy và đảm bảo đúng hướng dẫn của đơn vị sản xuất.
6.2.3 Mặt nạ lọc độc phải có các bộ lọc phù hợp với quy định tại các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành. Mặt nạ phòng độc cách ly phải có mặt trùm toàn bộ khuôn mặt đáp ứng yêu cầu quy định.
7. Trang bị, bố trí phương tiện chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn; hệ thống loa thông báo và hướng dẫn thoát nạn
7.1 Trang bị, bố trí phương tiện chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn.
7.1.1 Phương tiện chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn được trang bị cho tất cả các nhà, công trình
5.7.1.2 Việc lựa chọn, bố trí phương tiện chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn được quy định tại tiêu chuẩn TCVN 13456.
7.2 Trang bị, bố trí hệ thống loa thông báo và hướng dẫn thoát nạn
7.2.1 Nhà, công trình phải trang bị hệ thống loa thông báo và hướng dẫn thoát nạn được quy định tại Phụ lục G.
7.2.2 Hệ thống loa thông báo và hướng dẫn thoát nạn, bảo đảm mọi người trong nhà và công trình có thể nghe rõ thông báo, hướng dẫn khi có sự cố.
7.2.3 Tín hiệu âm thanh của hệ thống loa thông báo và hướng dẫn thoát nạn phải đảm bảo mức âm thanh tổng thể (mức âm thanh của tiếng ồn thường xuyên cùng với âm thanh từ các tín hiệu cảnh báo tạo ra) không thấp hơn 75 dBA ở khoảng cách 3 m từ tín hiệu cảnh báo, nhưng không quá 120 dBA ở bất kỳ vị trí nào.
7.2.4 Tín hiệu âm thanh của hệ thống loa thông báo và hướng dẫn thoát nạn phải tạo ra mức âm thanh cao hơn ít nhất 15 dBA so với mức âm thanh của tiếng ồn thường xuyên tại gian phòng. Việc đo mức âm thanh được thực hiện ở độ cao 1,5 m tính từ sàn nhà.
7.2.5 Trong phòng ngủ, tín hiệu âm thanh của hệ thống loa thông báo và hướng dẫn thoát nạn phải có mức âm thanh cao hơn ít nhất 15 dBA so với mức âm thanh của tiếng ồn thường xuyên trong phòng, nhưng mức âm thanh tổng thể không nhỏ hơn 70 dBA và không quá 120 dBA. Việc đo mức âm thanh được thực hiện ở vị trí ngang với đầu của người đang ngủ.
7.2.6 Thiết bị loa cảnh báo cháy và điều khiển thoát nạn gắn trên tường phải được bố trí sao cho phần trên của chúng cách mặt sàn ít nhất 2,3 m và cách trần tối thiểu phải là 0,15 m.
7.2.7 Trong các phòng được bảo vệ, nơi có người ở trong các thiết bị chống ồn, cũng như trong các phòng có mức ồn trên 95 dBA, hệ thống loa thông báo và hướng dẫn thoát nạn phải kết hợp với cảnh báo bằng ánh sáng. Việc sử dụng thiết bị cảnh báo nhấp nháy bằng ánh sáng được cho phép.
7.2.8 Thiết bị loa cảnh báo và chỉ dẫn thoát nạn bằng giọng nói phải phát ra âm thanh có tần số trong dải từ 200 Hz đến 5 000 Hz.
7.2.9 Số lượng thiết bị loa cảnh báo và chỉ dẫn thoát nạn bằng giọng nói, cách bố trí và công suất của chúng phải đảm bảo mức âm thanh ở tất cả khu vực để ở phù hợp với các quy định của tiêu chuẩn này.
8. Trang bị, bố trí phương tiện, dụng cụ chữa cháy ban đầu
8.1 Phương tiện, dụng cụ chữa cháy ban đầu trang bị cho nhà kho, cửa hàng, cơ sở sản xuất theo quy định tại Phụ lục H.
8.2 Trang bị phương tiện, dụng cụ chữa cháy ban đầu cho kho dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, cửa hàng xăng dầu, các công trình xăng dầu, cửa hàng kinh doanh khí đốt hóa lỏng (LPG) được quy định tại TCVN 5307, TCVN 4530, TCVN 5684, TCVN 6223 và các TCVN khác có liên quan do Bộ quản lý chuyên ngành quy định.
8.3 Đối với các cơ sở khác, việc trang bị phương tiện, dụng cụ chữa cháy ban đầu sẽ tùy thuộc vào điều kiện và yêu cầu của từng cơ sở.
8.4 Phương tiện, dụng cụ chữa cháy ban đầu được bố trí ở từng khu vực phù hợp với yêu cầu sử dụng để chữa cháy; không cản trở lối thoát nạn, lối đi và các hoạt động khác; tránh nắng, mưa và sự phá hủy của môi trường. Mỗi dụng cụ đựng cát kèm theo ít nhất 2 xẻng xúc. Các dụng cụ đựng cát chữa cháy được che đậy, không để vật bẩn rơi vào.
8.5 Các phương tiện, dụng cụ chữa cháy ban đầu cần được sơn đỏ để dễ nhận biết.
Với 13 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thi công điện – điện nhẹ, PHUCBINH GROUP là nhà thầu tích hợp giải pháp điện – điện nhẹ và phòng cháy chữa cháy uy tín, được nhiều đơn vị lựa chọn.
Hiện nay, nhiều chủ đầu tư có nhu cầu thuê trọn gói một nhà thầu điện nhẹ uy tín có khả năng thi công toàn bộ hệ thống điện nhẹ tích hợp phòng cháy chữa cháy. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, dễ dàng quản lý mà còn tăng tính liền mạch, thống nhất trong hệ thống.