Hướng dẫn tăng cường PCCC chung cư, nhà cao tầng, nhà ở kết hợp kinh doanh
PCCC chung cư, nhà cao tầng, nhà cho thuê nhà ở riêng lẻ kết hợp kinh doanh ngày càng được quan tâm. Triển khai chỉ thị số 19/CT-TTg tháng 6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC, Viện Khoa học Công nghệ – Bộ Công an đã ban hành tài liệu kỹ thuật hướng dẫn giải pháp tăng cường an toàn PCCC phù hợp với thực tiễn.
Khuyến cáo các giải pháp phòng cháy
Viện Khoa học Công nghệ kết hợp cùng Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ – Bộ Công an đã xây dựng giải pháp PCCC theo các nhóm cụ thể, cần được áp dụng tại các chung cư, nhà cao tầng.
Về sử dụng điện
- Kiểm tra và thống kê công suất của các thiết bị điện trong nhà và bố trí aptomat để tự động ngắt điện khi có sự cố hoặc khi nguồn điện bị quá tải.
- Tách riêng đường dẫn điện sinh hoạt với đường dẫn điện sản xuất, kinh doanh.
- Bố trí tối thiểu 1 aptomat tại mỗi căn hộ hoặc gian phòng nhằm PCCC chung cư mini.
- Thường xuyên kiểm tra, vệ sinh, bảo dưỡng các thiết bị tiêu thụ nhiều điện, có nguy cơ cháy nổ cao như bình nóng lạnh, máy giặt, tủ lạnh, điều hoà, máy sấy, lò sưởi… Và không để các vật dễ cháy gần những thiết bị này.
Về sạc xe điện
- Thường xuyên kiểm tra, theo dõi quá trình sạc điện để kịp thời phát hiện sự cố
- Không nên sạc điện qua đêm, trường hợp sạc sau 11 giờ tối cần có biện pháp đảm bảo an toàn như sử dụng sạc tự ngắt, sạc tại nơi có người trực…
- Tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất, không sạc ngay sau khi vừa sử dụng xe, không sạc liên tục quá 8 tiếng.
- Bố trí aptomat bảo vệ nguồn sạc cho xe điện để đảm bảo ngắt điện khi xảy ra sự cố
- Thiết kế khu vực riêng cho nguồn sạc đối với các chung cư, nhà cho thuê sử dụng nhiều xe điện
- Trong quá trình sạc, không để ắc quy, bộ sạc, pin gần các vật dễ cháy, vật sinh lửa hoặc sinh nhiệt.
Về an toàn kinh doanh
- Thường xuyên kiểm tra, quản lý chặt các hàng hoá, vật liệu dễ cháy (khí cháy, chất lỏng dễ cháy, hoá chất…)
- Đảm bảo tất cả người trong nhà cần được huấn luyện về PCCC và thoát nạn, biết cách sử dụng thiết bị PCCC cá nhân như mặt nạ, bình chữa cháy… và chủ động xây dựng phương án thoát nạn khi có sự cố
- Không nên kết hợp nhà ở với kinh doanh các hàng hoá có tính nguy hiểm cháy nổ cao như xăng dầu, hoá chất gây cháy, mút xốp…
Tăng cường giải pháp thoát nạn
Bên cạnh việc tăng cường các giải pháp PCCC, tuân thủ các tiêu chuẩn PCCC, Bộ Công an khuyến cáo các nhà cao tầng, chung cư mini, nhà ở kết hợp kinh doanh… cần bố trí ít nhất một đường thoát nạn an toàn và lối ra khẩn cấp.
Về đường thoát nạn an toàn
Đường thoát nạn an toàn được hiểu là đường di chuyển khi có cháy, đảm bảo được chiếu sáng và không có sự xâm nhập của khói và lửa đến mức nguy hiểm. Đường thoát nạn có thể bao gồm: cầu thang, hành lang, lối đi từ cầu thang bộ ra ngoài nhà hoặc lối đi từ cầu thang bộ ra khu vực lánh nạn tạm thời…
Đường thoát nạn được xác định là an toàn khi các khu vực cháy đã được cô lập riêng và không có chất dễ cháy tại sảnh chung, hành lang, lối di chuyển ra ngoài hoặc vào khu vực lánh nạn.
Trường hợp các nhà cao tầng, chung cư mini xây dựng thang thoát nạn cần đảm bảo an toàn khu vực hành lang dẫn ra thang. Nếu có sân chung thì không sử dụng mái cố định che kín hoặc mái tôn (có thể thay thế bằng mái che di động).
Về khu vực lánh nạn tạm thời
Trường hợp nhà ở kết hợp kinh doanh chỉ có duy nhất một đường thoát nạn ở tầng 1 và không có giải pháp ngăn cách đường thoát nạn đó với khu vực kinh doanh, sản xuất khi xảy ra sự cố thì cần bố trí khu vực lánh nạn tạm thời.
Khu vực lánh nạn tạm thời có thể là mái nhà hoặc sân thượng, ban công, lô gia… thoáng khí, không bố trí đồ đạc, ngăn cách với khu vực dễ xảy ra cháy.
Về lối ra khẩn cấp
Lối ra khẩn cấp có thể là ban công, lô gia các tầng, đường dẫn lên mái, sân thường, các ô cửa sổ… tuỳ cấu tạo của từng nhà. Lối ra khẩn cấp nếu có lắp cửa cần đảm bảo có thể mở từ bên trong mà không cần thực hiện nhiều thao tác phức tạp, tốn thời gian. Đồng thời, tại khu vực lối ra khẩn cấp cần được trang bị thiết bị PCCC, thiết bị cứu hộ cứu nạn như thang dây, thang thoát hiểm, ống tụt chậm, búa, rìu thoát hiểm…
Trường hợp nhà ở, chung cư mini chỉ có một mặt tiếp giáp với đường cần có giải pháp di chuyển thoát nạn từ các gian phòng ở phía trong qua các phòng liền kề ở ngoài hoặc di chuyển giữa các tầng (không tính hành lang và cầu thang bộ để đề phòng trường hợp khu vực này bị khói xâm nhập). Có thể bố trí các lỗ thông tường, lỗ thông sàn ở ban công, vách ngăn có thể di chuyển…
Ngăn chặn cháy lan và khói
Những khu vực sản xuất, kinh doanh, lữu trữ hàng hoá dễ cháy như nhà để xe, nhà kho… cần được ngăn cách với sảnh và hành lang di chuyển bằng vách ngăn cháy loại I. Đây có thể là tường bê tông, tường xây, vách ngăn bằng vật liệu không cháy… Hoặc sử dụng màn ngăn cháy đảm bảo giới hạn chịu lửa tương đương (nhưng không cản trở lối thoát nạn).
- Không sử dụng giếng thông tầng từ khu vực dễ cháy đến các khu vực khác trong nhà để đề phòng khói lan.
- Trường hợp nhà có giếng thang máy cần được bảo vệ tại khu vực nguy hiểm bằng cửa thang máy có giới hạn chịu lửa tối thiểu E30 hoặc giải pháp tương đương.
- Trường hợp nhà ở kết hợp kinh doanh, chung cư mini có cầu thang bộ hở thì cần có giải pháp ngăn cách phòng ở với hành lang, sảnh chung, vị trí cửa thông ra ngoài hành lang cần trang bị cửa bằng vật liệu gỗ đặc, kim loại khó cháy…
- Chuẩn bị sẵn phương án chèn/ bịt kín các khe hở ở cửa mà khói có thể lọt qua khi có cháy như băng dính khổ rộng.
- Không nên sử dụng các vật liệu dễ cháy, sinh nhiều khói (ván gỗ mỏng, tấm nhựa, mút xốp…) khi cháy để trang trí nhà.
- Chèn, bịt kín các lỗ thông tại trục kỹ thuật xuyên tường, xuyên sàn bằng các vật liệu không làm giảm giới hạn chịu lửa, chịu nhiệt.
Thiết kế hệ thống báo cháy sớm
Tiêu chuẩn TCVN 3890:2023 đã quy định rõ về việc trang bị hệ thống báo cháy tự động. Trường hợp nhà ở kết hợp kinh doanh, nhà cao tầng cho thuê… chưa thuộc diện cần trang bị hệ thống báo cháy tự động nhưng không đảm bảo lối thoát nạn theo quy định cũng cần sử dụng hệ thống báo cháy sớm hoặc báo cháy cục bộ cho các khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy.
Hệ thống báo cháy tự động thường bao gồm các thiết bị phát hiện cháy sớm như đầu báo khói, đầu báo nhiệt, nút ấn khẩn cấp, loa và còi đèn báo cháy, thông báo bằng âm thanh đến tất cả các khu vực trong nhà khi xảy ra sự cố.
Tham khảo: Hệ thống báo cháy tự động, nguyên lý hoạt động và các thiết bị cần thiết
Tham khảo: Phân biệt các loại đầu báo cháy thông dụng hiện nay
Tham khảo: Tiêu chuẩn PCCC nhà cao tầng
Trang bị phương tiện PCCC ban đầu
Bên cạnh hệ thống báo cháy tự động, các gia đình cần chủ động trang bị phương tiện, thiết bị PCCC cơ bản, bao gồm:
- Sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn, hướng dẫn xử lý khi có sự cố được dán tại các khu vực sảnh chung, hành lang.
- Trang bị bình chữa cháy phù hợp với yêu cầu (theo diện tích mặt sàn, hàng hoá tiềm ẩn nguy cơ cháy). Tham khảo cách phân biệt các loại bình chữa cháy thông dụng hiện nay.
- Trang bị thiết bị PCCC, hỗ trợ thoát nạn khi có cháy như búa, rìu, kìm cộng lực… (Chi tiết các thiết bị này tại website về thiết bị báo cháy).
- Trang bị thiết bị PCCC bảo vệ cá nhân như mặt nạ PCCC, găng tay chịu nhiệt, chăn thuỷ tinh, thang dây thoát hiểm, thang dây hạ chậm… và định kỳ kiểm tra, tập huấn sử dụng.
Hy vọng những nội dung trên đây sẽ giúp tăng cường giải pháp PCCC cho các nhà hiện hữu hiện đang làm nhà ở kết hợp kinh doanh, chung cư mini cho thuê nhiều hộ… Tài liệu này không áp dụng đối với nhà ở kết hợp với các loại hình kinh doanh có tính nguy hiểm cao như xăng dầu, mút xốp. hoá chất cháy nổ…
Để được tư vấn kỹ hơn về các thiết kế PCCC, xây dựng giải pháp PCCC, trang bị thiết bị PCCC cho nhà ở, văn phòng, nhà kho… vui lòng liên hệ Hotline kinh doanh: 08.7777.8686. Với 14 năm kinh nghiệm, PHUCBINH GROUP là nhà thầu cơ điện, nhà thầu PCCC uy tín, được nhiều đơn vị lựa chọn thi công PCCC và chuyên cung cấp các thiết bị PCCC chính hãng, đảm bảo CO, CQ và chế độ bảo hành chu đáo.